Số lượng người chơi gôn ở Việt Nam ngày càng tăng, cùng nhiều sân gôn mới ra đời và các giải gôn tầm cỡ châu lục tổ chức tại Việt Nam đang tạo cơ hội lớn cho các gôn thủ nữ hàng đầu trong nước thi đấu cọ xát, học hỏi.
Inbee Park (Hàn Quốc, hạng 2 thế giới)
Trong những thập niên gần đây, ngày càng nhiều tay gôn nữ châu Á vô địch các giải đấu thuộc LPGA và thống trị trên bảng xếp hạng gôn nữ thế giới Rolex Rankings.
CHÂU Á ĐANG THỐNG TRỊ GÔN NỮ
Trên bảng xếp hạng, 70% là người châu Á, và phần lớn là Hàn Quốc với 36 gôn thủ trong tốp 100 và 6 trong tốp 10. Sau Inbee Park, Lydia Ko đã đánh bật gôn thủ người Mỹ Stacy Lewis sau vài tuần Stacy xếp hạng nhất trên bảng xếp hạng thế giới. Lydia đang chinh phục đỉnh cao làng gôn nữ thế giới khi tuổi đời rất trẻ. Dù Lydia lấy quốc tịch New Zealand, nhưng sự thật không thể phủ nhận, cô là người gốc Hàn Quốc. Những thành công rực rỡ của các gôn thủ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung đã chứng minh rằng “lợi thế hình thể” không phải là yếu tố quan trọng để chạm đến đỉnh cao trong gôn nữ.
Lydia Ko (New Zealand, hạng 1)
ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM NÊN SỰ THÀNH CÔNG CHO GÔN NỮ CHÂU Á?
Phần lớn các tay gôn chuyên nghiệp châu Á, điển hình là Hàn Quốc, không tập trung nhiều vào việc học văn hóa. Thay vào đó, họ dồn hết thời gian vào gôn bởi họ cho rằng chỉ có dành 100% thời gian vào gôn mới có thể đạt đến được đỉnh cao. Nếu nhìn vào các gôn thủ LPGA hàng đầu của Mỹ, hay châu Âu, số đông đều đã có bằng đại học hoặc tốt nghiệp cấp 3. Những gôn thủ như Paula Creamer, Annika Sorenstam hay Lorena Ochoa đều có bằng tốt nghiệp của những trường đại học danh tiếng trước khi chuyển sang thi đấu gôn chuyên nghiệp. Sự khác biệt từ trong tư tưởng của hai văn hóa đã tạo nên hai lối suy nghĩ khác nhau. Đối với các vận động viên châu Á, nếu thất bại trong gôn, họ không còn gì cả. Do đó chỉ có khổ luyện, kiên trì và tập trung cho gôn thì họ mới có thể đạt đến thành công. Trong khi đó, các gôn thủ phương Tây lại có suy nghĩ lạc quan hơn, mặc dù họ vẫn khổ luyện và kiên trì theo cách riêng của mình. Các vận động viên châu Á không chấp nhận thất bại, và khi đạt đến một mốc của thành công, họ không bao giờ muốn dừng lại. Điển hình là Lorena Ochoa và Inbee Park. Cho đến khi Ochoa giải nghệ, vẫn chưa ai có thể đánh bại cô, tuy nhiên cuối cùng cô vẫn quyết định rút lui khỏi môi trường cạnh tranh để ở nhà làm một người vợ, người mẹ tốt. Trong khi đó, đối thủ của cô, Inbee Park sau khi kết hôn vào năm ngoái, vẫn tiếp tục con đường chinh phục và giành lại vị trí số 1 của mình từ tay Lydia Ko.
Mika Miyazato (Nhật Bản, hạng 39)
Các gôn thủ châu Á thường chịu áp lực rất lớn từ gia đình, thầy cô và nhà tài trợ của họ, nên tâm lý của họ luôn đòi hỏi phải vững vàng và ổn định hơn các đồng nghiệp phương Tây. Phụ huynh châu Á thường nghiêm khắc và chặt chẽ hơn với con cái của mình, điều đó tạo nên sự khác biệt giữa giới trẻ phương Đông và phương Tây. Tính kỷ luật cao tạo nên thành công của những vận động viên châu Á. Lydia Ko mặc dù trưởng thành trong môi trường phương Tây nhưng cô vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của phương Đông, từ ba mẹ cô.
CHÂU Á CÓ NHIỀU HỆ THỐNG GIẢI ĐẤU DÀNH CHO NỮ
Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng là 2 quốc gia có ngành công nghiệp gôn nữ phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, họ không có nhiều vận động viên tham gia vào các hệ thống giải lớn như LPGA hay European Ladies Tour, bởi ở Nhật và Trung Quốc đều có hệ thống giải nữ với số tiền thưởng vô cùng hấp dẫn, nhiều nhà tài trợ lớn và cũng không ít số lượng vận động viên tham dự. Bên cạnh đó đó, Thái Lan và Malaysia cũng đã phát triển hơn rất nhiều trong 3 năm qua. Thái Lan đã cho ra đời hệ thống giải gôn nữ riêng của mình với hơn 20 giải đấu trong năm, với trên dưới 10 vận động viên dự LPGA. Còn Malaysia đã có gôn thủ nữ đầu tiên đủ tiêu chuẩn tham gia vào LPGA năm ngoái.
Sân Dàlat at 1200, nơi diễn ra giải The Dàlat at 1200 Ladies Championship thuộc hệ thống giải nữ chuyên nghiệp của Hàn Quốc
CƠ HỘI CHO GÔN NỮ VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, số lượng người chơi gôn ở Việt Nam tăng đáng kể, cùng với nhiều sân gôn mới đẳng cấp quốc tế ra đời. Bên cạnh đó, các giải gôn tầm cỡ châu lục đã đặt chân đến Việt Nam, như Hồ Tràm Open thuộc hệ thống Asian Tour tháng 12 năm ngoái hay giải Winter Tour Championship thuộc hệ thống giải nữ KLPGA của Hàn Quốc vừa kết thúc ở sân Sky Lake hồi tháng 2. Tháng 3 này, Việt Nam vinh dự được đón thêm một giải đấu tầm cỡ nữa cũng thuộc hệ thống KLPGA, tổ chức tại sân gôn Dalat at 1200. Đây chính là cơ hội lớn cho người chơi gôn tại Việt Nam mở rộng tầm nhìn về sự phát triển của quốc gia có ngành gôn nữ phát triển nhất thế giới và các vận động viên nữ hàng đầu Việt Nam được thi đấu cọ xát, học hỏi.
Giải nữ chuyên nghiệp Hàn Quốc KLPGA Winter Tour diễn ra tại Sky Lake Resort & Golf Club tháng 2/2016
Thể lực của các gôn thủ nữ Việt Nam so với các nước láng giềng thật ra không thua kém nhiều. Điều chúng ta còn thiếu chính là kinh nghiệm, thời gian và sự ủng hộ từ quốc gia của mình. Chúng ta may mắn có tầng lớp gôn thủ trẻ đã và đang tu nghiệp tại nước ngoài. Có quá nhiều bài học từ những người láng giềng đi trước để chúng ta rút kinh nghiệm và củng cố cho các gôn thủ nước nhà. Sự tỉ mỉ, tính chịu khó và kỷ luật cao chính là những yếu tố có sẵn trong con cháu phương Đông mà chúng ta cần tận dụng để đạt được đến thành công.
NGÔ BẢO NGHI