Một trong những điều mà tôi không bao giờ hiểu nổi về những câu lạc bộ gôn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, là cách họ đối xử với các gôn thủ nữ. Phần lớn, và ở nhiều cấp độ khác nhau, phụ nữ thường bị đối xử như những “công dân hạng hai”.Tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn.
Ở nhiều câu lạc bộ, phụ nữ không được phép ra sân vào các buổi sáng cuối tuần vì câu lạc bộ dành riêng thời gian đó cho phái nam. Trong những ngày xa xưa, khi đàn ông là trụ cột chính trong gia đình và phải làm việc hàng ngày thì có thể còn có lý khi dành riêng buổi sáng đẹp đẽ ấy cho họ. Vì đó là khoảng thời gian duy nhất họ có để chơi gôn, còn phụ nữ có thể chơi vào mọi buổi sáng trong tuần, bất cứ khi nào họ muốn.
Nhưng thời đó đã xa rồi, và phụ nữ giờ đây cũng có định hướng sự nghiệp riêng. Họ làm việc nhiều giờ và đôi khi thậm chí còn có thu nhập cao hơn các ông chồng. Cả phụ nữ độc thân lẫn có gia đình đều có sự nghiệp và công việc riêng, và dù không phải bao giờ cũng ngang bằng với nam giới về mặt thu nhập, nhưng chắc chắn họ ngang với nam giới về mặt thời gian làm việc cũng như sức lực phải bỏ ra.
Thực tế, một phụ nữ có gia đình và con nhỏ thậm chí phải thường xuyên làm việc vất vả hơn chồng họ, vì một ngày làm việc của họ không kết thúc khi rời khỏi chỗ làm. Trong một số trường hợp, lúc đó thậm chí mới chính là lúc bắt đầu vì cô ấy phải đi mua thức ăn, nấu bữa tối cho cả gia đình, lo cho con cái làm bài tập về nhà và đi ngủ đúng giờ. Rồi cô ấy phải dậy sớm hơn tất cả mọi người để làm bữa sáng cho cả gia đình, chuẩn bị cho con cái đến trường, đưa chúng tới trường rồi sau đó mới đến chỗ làm.
Tôi đã chứng kiến những gì vợ tôi phải làm mỗi ngày. Và thành thật mà nói, tôi không thể nào làm được như thế nếu cùng lúc tôi có một công việc. Nó sẽ giết tôi mất.
Vậy tại sao phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử so với nam giới?
Trước tiên, các câu lạc bộ thường được quản lý bởi đàn ông, và điều đó lý giải rất nhiều điều. Thứ hai, các câu lạc bộ vẫn giữ ý nghĩ rằng đàn ông là người có tư cách hội viên chủ chốt, trong khi phụ nữ và trẻ em là thành viên “ăn theo”, tới câu lạc bộ bằng cách “bám đuôi” hội viên chính.
Thế này nhé, ai là người thanh toán các hóa đơn được gửi đến hàng tháng từ câu lạc bộ thì người đó chính là hội viên chủ chốt.
Bạn có tin được là ở Mỹ vẫn còn những câu lạc bộ riêng tư không nhận phụ nữ làm thành viên không?
Đúng thế đấy… Vẫn còn một vài chỗ và thỉnh thoảng họ còn lên báo để bảo vệ lập trường cổ hủ của mình.
Ví dụ, sân Augusta National chỉ mới bắt đầu cho phép kết nạp hội viên nữ từ năm 2012. Khi đó, họ mời cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleeza Rice và Darla Moore (nữ triệu phú Mỹ) gia nhập. Augusta National bảo vệ lập trường trước đó của họ bằng cách dẫn ra rằng trong năm 2011, có hơn 15% số vòng đấu không thuộc các giải tour được thực hiện bởi các gôn thủ nữ, những người là khách mời hoặc vợ của các thành viên chính thức.
Sân Royal & Ancient GC ở Scotland chỉ đồng ý nhận hội viên nữ vào năm 2014, sau 260 năm tồn tại với tư cách là câu lạc bộ chỉ dành riêng cho nam giới. Năm 2012, ông Gordon Brown (cựu Thủ tướng Anh) đã kêu gọi câu lạc bộ bãi bỏ chính sách chỉ tiếp nhận hội viên nam của họ.
Khi tôi viết những dòng này thì sân Butler National Golf Club ở Chicago vẫn còn là “thành lũy” của chỉ riêng cánh đàn ông và không có dấu hiệu gì cho thấy lập trường đó sẽ thay đổi. Nước Úc vẫn có rất nhiều câu lạc bộ gôn chỉ dành riêng cho đàn ông và họ có vẻ không thấy khó xử chút nào về điều đó.
Có xấp xỉ 30 câu lạc bộ chỉ dành riêng cho một giới ở Úc. Dù phần lớn trong số đó là dành cho nam giới, cũng có một số ít câu lạc bộ chỉ dành cho nữ giới nằm rải rác khắp đất nước. Sân Australian Club được thành lập năm 1836 chính là câu lạc bộ gôn chỉ dành cho nam giới lâu đời nhất trên đất Úc. Sau đó ít lâu, vào năm 1838, sân Melbourne Club được thành lập. Tiếp đó một vài câu lạc bộ dạng này bắt đầu xuất hiện ở Melbourne và Sydney rồi ở Brisbane, Hobart, Adelaide và Perth cũng có.
Những câu lạc bộ này đều có tiếng cực kỳ kín đáo. Dù không thể nào nói chắc được về mức độ quyền lực mà họ cũng như các thành viên sở hữu nhưng một sự thật chắc chắn là những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất nước Úc đều là khách quen ở đây.
Tổng chưởng lý George Brandis đã bị chỉ trích trước nghị viện hồi cuối năm 2014 vì tham gia một trong những câu lạc bộ chỉ dành cho nam giới thuộc loại riêng tư nhất ở Melbourne, có tên là Savage Club.
Brandis đã bảo vệ quyết định lui tới nơi này, và nói rằng đó không phải phân biệt giới tính:
“Là những câu lạc bộ chỉ dành riêng cho nam giới hay dành cho mọi người thì đều không có gì chống lại luật pháp nước Úc. Vì nó không phạm luật nên đó không phải là sự phân biệt giới tính”.
Nếu nhìn vào danh sách các tay gôn đứng đầu ở LPGA, phần nhiều là người châu Á. Không thể nói như thế về các giải nam như PGA hoặc European Tour. Vậy thì với tình hình này, tại sao chúng ta không mạnh dạn tiến những bước dài hơn trong việc khuyến khích phụ nữ Việt Nam tham gia trò chơi này? Tại sao phần lớn nỗ lực của chúng ta lại chỉ nhắm vào nam giới?
Đồng tiền thì không có giới tính, và cách chúng ta khuyến khích các tài năng mới cũng nên như thế.
By ROBERT BICKNELL
Robert Bicknell sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1992 và ông là golf- pro đầu tiên tại Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, Robert từng quản lý nhiều sân gôn, cũng như huấn luyện cho đội tuyển gôn quốc gia Việt Nam tham dự 2 kỳ SEA Games.